Bạn thường xuyên đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích (IBS)? Tuy nhiên, bạn có biết rằng một số triệu chứng tương tự cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn – bệnh Crohn? Sự nhầm lẫn giữa hai tình trạng này không chỉ khiến việc điều trị sai hướng mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Vậy làm sao để phân biệt đúng bệnh Crohn và IBS? Bài viết sau đây PGS.TS.BS. TTUT.Nguyễn Quang Duật – nguyên Trưởng Khoa Tiêu hóa BVQY 103 – cố vấn chuyên môn của Công ty Dược phẩm Tuệ Tĩnh sẽ giúp bạn nhận biết rõ ràng hơn.
Tổng quan về bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh lý viêm ruột mạn tính, thuộc nhóm các bệnh viêm ruột (IBD). Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào niêm mạc ruột, gây viêm và tổn thương trên đường tiêu hóa. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đoạn nào từ miệng đến hậu môn, tuy nhiên vị trí phổ biến nhất là phần cuối của ruột non và đầu ruột già.
Triệu chứng điển hình của bệnh Crohn gồm có:
- Tiêu chảy kéo dài (có thể kèm máu hoặc dịch nhầy)
- Đau bụng từng cơn, thường ở hố chậu phải
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi, chán ăn
- Sốt nhẹ kéo dài
- Ở giai đoạn nặng có thể xuất hiện áp xe, rò hậu môn
Bệnh Crohn có thể tiến triển thành mạn tính với các đợt tái phát, thuyên giảm xen kẽ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng tiêu hóa, thường gặp ở người trưởng thành. Khác với bệnh Crohn, IBS không gây tổn thương thực thể tại ruột mà chủ yếu là do rối loạn vận động ruột và tăng nhạy cảm đường tiêu hóa.
Các triệu chứng phổ biến của IBS bao gồm:
- Đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, thường giảm sau khi đi ngoài
- Đầy hơi, chướng bụng
- Thay đổi thói quen đại tiện: táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ cả hai
- Cảm giác đi tiêu không hết, mót rặn
- Không có máu trong phân, không gây sụt cân
Nguyên nhân IBS chưa rõ ràng, nhưng stress, chế độ ăn và rối loạn thần kinh ruột được xem là các yếu tố góp phần khởi phát bệnh.
Vì sao dễ nhầm lẫn IBS và bệnh Crohn?
IBS và Crohn có một số triệu chứng giống nhau như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi… Tuy nhiên, bản chất của hai bệnh này hoàn toàn khác nhau:
- IBS là rối loạn chức năng, không có viêm hay tổn thương niêm mạc ruột
- Crohn là bệnh viêm mạn tính, có tổn thương thực thể, có thể gây loét, sẹo và hẹp ruột
- Việc nhầm lẫn hai bệnh có thể khiến người bệnh chủ quan, điều trị không đúng cách và làm tăng nguy cơ biến chứng ở bệnh Crohn như tắc ruột, rò rỉ ruột, suy dinh dưỡng…
Bảng so sánh bệnh Crohn và hội chứng ruột kích thích (IBS)
Tiêu chí | Hội chứng ruột kích thích (IBS) | Bệnh Crohn |
Bản chất bệnh | Rối loạn chức năng ruột | Bệnh viêm đường tiêu hóa mạn tính |
Tổn thương thực thể | Không có tổn thương | Có loét, viêm, sẹo hóa ruột |
Tiêu chảy kéo dài | Có thể, thường không kèm máu | Có, thường có máu hoặc dịch nhầy |
Đau bụng | Âm ỉ, giảm sau khi đi ngoài | Từng cơn, tăng dần theo tiến triển |
Ảnh hưởng cân nặng | Không sụt cân | Có thể sụt cân nhiều, thiếu máu |
Yếu tố tâm lý | Vai trò quan trọng (stress, lo âu) | Ít liên quan trực tiếp |
Biến chứng nguy hiểm | Hiếm gặp | Nhiều biến chứng: hẹp, rò, áp xe… |

Cách chẩn đoán chính xác
Để phân biệt rõ IBS và Crohn, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng từ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Một số phương pháp thường được sử dụng:
Đối với IBS:
- Chẩn đoán chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn Rome IV
- Loại trừ các bệnh lý thực thể khác bằng xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi
Đối với Crohn:
- Nội soi đại – trực tràng, sinh thiết mô ruột
- Chụp CT/MRI ổ bụng
- Xét nghiệm CRP, calprotectin trong phân (dấu hiệu viêm)
- Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng thiếu máu, viêm
Hướng điều trị cho từng bệnh
Điều trị IBS:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: hạn chế thức ăn nhiều FODMAP (gồm hành tỏi, sữa, đậu, các loại bắp cải…)
- Quản lý stress, ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng
- Dùng men vi sinh, thuốc chống co thắt, thuốc chống lo âu (nếu cần)
Điều trị bệnh Crohn:
- Thuốc chống viêm: corticoid, 5-ASA
- Thuốc ức chế miễn dịch: azathioprine, methotrexate
- Thuốc sinh học (biologics): infliximab, adalimumab…
- Kháng sinh trong một số trường hợp nhiễm khuẩn
- Phẫu thuật nếu có biến chứng hẹp, rò, tắc ruột
Lưu ý: Việc điều trị Crohn cần theo dõi lâu dài và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa.

Khi nào bạn nên đi khám ngay?
Nếu bạn có các dấu hiệu sau, đừng trì hoãn việc thăm khám:
- Tiêu chảy kéo dài trên 1 tuần
- Có máu hoặc dịch nhầy trong phân
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Đau bụng dữ dội, dai dẳng
- Sốt nhẹ, mệt mỏi, thiếu máu kéo dài
Chẩn đoán sớm bệnh Crohn sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Dù có nhiều điểm tương đồng trong triệu chứng, bệnh Crohn và hội chứng ruột kích thích (IBS) là hai bệnh hoàn toàn khác nhau về bản chất, mức độ nguy hiểm và cách điều trị. Đừng để những nhầm lẫn ban đầu khiến tình trạng bệnh của bạn trở nên phức tạp hơn.
Nếu bạn đang gặp các vấn đề tiêu hóa kéo dài, hãy chủ động thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
IBS Tuệ Tĩnh không chỉ giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hay táo bón, mà còn hỗ trợ phục hồi và tái tạo niêm mạc đại tràng một cách tự nhiên, bền vững. Không giống như các sản phẩm tây y thường chỉ giải quyết tạm thời, IBS Tuệ Tĩnh tác động toàn diện, giúp điều hòa chức năng ruột và duy trì sức khỏe lâu dài. Không thể không nhắc đến Rễ Bạch thược – thảo dược nổi tiếng với tác dụng điều hòa khí huyết, làm dịu cơn co thắt đại tràng và giảm đau bụng – một triệu chứng thường gặp ở người mắc IBS.
Liên hệ ngay tổng đài miễn cước 1800 2295 hoặc truy cập website để đặt hàng ngay nhé!